Menu

09. Luyện giọng

Có cần một giọng hay để làm phát thanh không? Có thì tốt hơn, nhưng ta cũng gặp những người đọc bản tin có giọng khàn khàn mà lại nổi bật vì họ biết sử dụng nó. Bạn đặt một chiếc trống tốt vào tay một nhạc công tồi thì anh ta sẽ chẳng cho ra được thứ gì hay ho cả. Bạn đặt một chiếc trống tồi vào tay một nhạc công giỏi thì bạn sẽ thấy điều kỳ diệu xảy ra, có nhịp điệu, có âm thanh. Với phát thanh, cần viết cho giọng nói của riêng mình, đó lại là con đường khó tìm nhất.

Hãy thử làm bài test, lắng nghe những người ở cạnh bạn: một số nói nhanh, số khác nói chậm. Đó là đặc trưng của mỗi người. Với phát thanh, phải tìm được điểm cân bằng ở giữa.

Quy tắc đầu tiên: nói với ai đó

Bạn không đứng ở quảng trường công cộng để đọc diễn văn, bạn đang nói với một người. Hãy thường xuyên rời mắt khỏi trang giấy và nhìn vào kỹ thuật viên. Anh ta chính là thính giả đầu tiên của bạn, là người bạn của bạn. Anh ta có thể ra hiệu cho bạn nói chậm lại. Ta nói trên đài chậm hơn trong đời thường.

Quy tắc thứ hai: viết để nói

Có một thứ âm nhạc của văn nói không giống với văn viết. Khi bạn viết, hãy nói thầm các câu của mình. Bạn sẽ thấy là bạn sẽ tìm được một văn phong đơn giản gần gũi với cách nói của bạn. Điều đó giúp cho bạn tránh được những lúc ngập ngừng hay lúng túng trước micro.

Quy tắc thứ ba: cất lên giọng nói của mình

Những lần đầu ngồi trước micro, mọi người thường rụt rè. Họ đọc bài viết của mình như họ vẫn quen đọc cho riêng mình. Giọng buồn tẻ, chẳng có chút gì cuốn hút. Hãy lấy đi bài viết và đề nghị họ nói lại điều mà họ đã viết. Ngay lập tức, bạn sẽ thấy sự khác biệt. Người kia lấy lại giọng nói tự nhiên của mình. Cất lên giọng nói của mình không có nghĩa là hét lên, mà là tìm được điểm dung hòa giữa giọng tự nhiên của mình và ngữ điệu phù hợp cho tin tức.

Quy tắc thứ tư: giúp đỡ lẫn nhau

Có các kỹ thuật của nghệ thuật diễn đạt như là đọc một bài viết khi đang có chiếc bút chì ngậm giữa hai hàm răng. Nó giúp cho bạn phát âm tròn vành rõ tiếng hơn và phát triển cơ môi. Cần phải nghe lại những gì mình đã nói và coi giọng nói như là một mục tiêu. Ta có thể đề nghị một diễn viên kịch, các đồng nghiệp, tổng biên tập trợ giúp. Cả đài là một ê-kíp, chúng ta cần phải giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ.

Quy tắc thứ năm: khởi động miệng

Đây là quy tắc cơ bản nhất, có giá trị với mọi nhà báo, mới vào nghề hay đã giàu kinh nghiệm. Trước khi lên sóng: hãy đọc to lại bản tin của bạn, bản tin nhanh, tin sâu của bạn. Như thế, bạn sẽ làm nóng miệng và các dây thanh quản. Bạn in vào trí óc mình âm nhạc của bản tin đó. Khi lên sóng, bạn có nó rõ ràng trong đầu đến mức tự nó tuôn chảy. Một số người đọc bản tin còn xoa bóp miệng trước khi vào phòng thu và uống chút nước để tránh bị khô họng. Phát thanh cũng giống như thể thao: làm nóng người và khởi động cơ bắp trước khi ra sân.

Quy tắc thứ sáu: đừng ăn micro

Ta nói cách micro 20 cm (phiếu 19). Ta rút một bên tai nghe ra khỏi tai để có thể nghe giọng mình như trong đời sống thường ngày. Tai kia dùng để nhận các mệnh lệnh và để kiểm tra.