Menu

07. Lựa chọn người để phỏng vấn

Những người đối thoại gặp gỡ trong cuộc điều tra hoặc được phóng viên đặt hỏi để chuẩn bị cho phóng sự cung cấp một lượng thông tin lớn. Một số thông tin bị loại bớt do không có nội dung, do đã cũ hay quá đúng theo dự đoán. Một số thông tin khác được sử dụng trong lời bình của phóng viên. Cần phỏng vấn hai hoặc ba người* có khả năng đưa ra một thông tin mà chỉ họ mới có thể đưa ra tại một thời điểm nhất định và trong một hoàn cảnh nhất định. Những đoạn trích này sẽ được lồng vào phóng sự.

Lựa chọn tiêu chí người được phỏng vấn cho phép tạo ra những phỏng vấn có thông tin:

  • Nhân vật: “Anh ta đã chủ động làm hay đã buộc phải làm”

Ở tâm điểm của sự kiện, anh ta kể về những gì anh ta đã trải qua. Một thông tin “mới cứng” luôn được phát trên hình thức trần thuật, theo thời gian và chi tiết mà phóng viên phải tổng hợp lại trong lời bình của mình.

Để nhận được một lời kể sống động, người được phỏng vấn-nhân vật có thể được đặt vào tình huống (phỏng vấn anh ta tại địa điểm xảy ra hành động, cho anh ta xem ảnh, băng video hay một vật biểu tượng cho sự kiện).

  • Nhân chứng: “Anh ta đã nhìn thấy hay đã nghe thấy”.

Ở bên lề của sự kiện, anh ta chỉ có thể đưa ra quan điểm của mình, không nên đề nghị anh ta bình luận hay khái quát.

Để tái tạo lại sự thật, phóng viên phải tìm nhiều nhân chứng. Vai trò của phóng viên là làm rõ quan điểm của từng người và khoảng cách giữa họ với sự kiện mà họ nói tới.

  • Chuyên gia: “Anh ta biết”

Đó là người đưa ra một đánh giá khách quan. Anh ta có thể phát triển một phân tích hay phán xét dựa trên kiến thức và những gì anh ta biết về sự kiện.

Không nên hỏi anh ta những tình cảm, cảm tưởng hay dự đoán.

Để giúp chuyên gia hiệu chỉnh tốt hơn những lời giải thích, phóng viên phải giải thích rõ những hạn chế của phóng sự: thời lượng hạn chế và khán giả truyền hình không có kiến thức chuyên ngành. Nếu cần, phóng viên có thể diễn đạt lại những giải thích của chuyên gia qua lời bình của mình.

  • Người được ủy quyền, người có trách nhiệm: “Anh ta tuyên bố”

Đó là người thuộc công quyền muốn phản ứng thông qua một tuyên bố. Anh ta muốn đưa ra tuyên bố để giải trình và giải thích trách nhiệm của mình.

  • Tùy viên báo chí, người phát ngôn: “Anh ta thay mặt” nhân chứng, chuyên gia hay người được ủy quyền

Anh ta chỉ là một người trung gian, và ngay cả khi anh ta tự đến giới thiệu thì cũng sẽ là người cuối cùng cần phỏng vấn.

* Cần tránh những người dễ liên hệ, có thể nói về bất cứ vấn đề nào, đưa ra những thông điệp dễ sử dụng trong bất cứ phóng sự nào, thậm chí nếu được yêu cầu có thể trả lời những gì phóng viên muốn nghe…

Những loại hình phỏng vấn khác:

  • Phản ứng, ý kiến

Người được phỏng vấn đại diện cho một tầng lớp hoặc anh ta là biểu tượng của một sự việc xã hội hay một trào lưu chính trị: đó là những phản ứng cần thêm vào để phản ánh sự đa dạng của các quan điểm.

Về nguyên tắc, mọi ý kiến đều cần được cân bằng và đối trọng lại bởi các ý kiến đối lập.

  • Trao đổi sâu

Trao đổi sâu là một phỏng vấn dài để dựng lên chân dung của một người hoặc xem xét tổng thể một vấn đề. Phóng viên cần tìm hiểu tài liệu trước.

  • Phỏng vấn – vỉa hè

Phỏng vấn-vỉa hè không bao giờ mang lại thông tin. Nó chỉ minh họa cho một xu hướng đã được biết tới. Trả lời cho cùng một câu hỏi, những trích đoạn phỏng vấn được chọn để dựng tiếp nối nhau và thường không cần nêu danh tính những người được phỏng vấn.

Để vẽ một chân dung phong phú và có thông tin:

  • để làm giàu phỏng vấn người mà ta định dựng chân dung: quay tại nhiều địa điểm và sử dụng khuôn hình khác nhau cho mỗi chủ đề đề cập tới.
  • để cho chân dung thú vị: phỏng vấn nhiều người và đan chéo những nhìn nhận của họ về nhân vật mà ta làm chân dung.

Cách tiếp cận này thường vẽ ra một chân dung chính xác hơn là một cuộc phỏng vấn dài thực hiện với một người duy nhất.