Menu

13. Gỡ băng và xây dựng cấu trúc phóng sự

Cấu trúc phóng sự được xây dựng trong quá trình quay, lúc gỡ băng và muộn nhất là trước khi dựng hình. Phóng viên chọn trường đoạn đầu và trường đoạn cuối của phóng sự. Anh ta sắp xếp thứ tự của các trường đoạn mấu chốt để làm tăng giá trị của thông tin chính và phát triển câu chuyện… Việc cắt ghép hình phải tôn trọng tính gắn kết âm thanh và hình ảnh của từng trường đoạn. Câu chuyện có thể được kể bằng phim quay (hiệu ứng sự thật), bằng dựng hình dựng tiếng hay bằng lời bình.

Khi gỡ băng, phóng viên xác định những cảnh mấu chốt tạo nên từng giai đoạn của kịch bản dựng và những thời điểm then chốt của phóng sự:

  1. Xem tất cả các cảnh và giữ lại những cảnh có vẻ thích đáng nhất với chủ đề và nội dung của phóng sự: tình huống, các cuộc phỏng vấn, hình ảnh và âm thanh chủ đạo, nền…
  2. Xác định từng cảnh nhờ vào một hay nhiều từ khóa nêu lên nội dung cũng như các đặc điểm như cỡ cảnh, chủ đề, nhân vật, địa điểm…
  3. Ghi lại vị trí của từng cảnh được chọn bằng hai time code: của hình ảnh đầu tiên của cảnh và của hình ảnh cuối cùng (Time code định vị từng hình ảnh được quay).
  4. Lưu trữ các cảnh được lựa chọn và được định vị trong một hồ sơ phim tạm thời.
  5. Sắp xếp hồ sơ này bằng cách nhóm các “cụm cảnh liên quan”

Một cụm cảnh là gì ?

Việc quay một trường đoạn thường được tổ chức xoay quanh một tình huống, tại một địa điểm và vào một thời điểm nhất định. Tôn trọng tính thống nhất về địa điểm, thời gian hay hành động có thể là một trong những chìa khóa để xây dựng cấu trúc phóng sự.

Tìm ra một sợi dây dẫn đường, một “sợi chỉ đỏ” hướng dẫn khán giả:

  • Một mô típ hình ảnh hoặc âm thanh lặp đi lặp lại suốt phóng sự
  • Một đồ vật hay một nhân vật dùng làm sợi chỉ dẫn dắt
  • Việc mô tả (một quy trình, một trình tự) được thực hiện bằng các trường đoạn cắt ghép khéo léo
  • Một lộ trình, một niên đại, một sự giới thiệu được hỗ trợ bởi những điểm mốc thị giác hay âm thanh

Chú ý, logic của nghề báo thường không tương thích với trình tự thời gian, dù đó là trình tự thời gian của các sự kiện hay trình tự thời gian của quay phim. Thời gian của “thực tế” khác với thời gian của câu chuyện báo chí vì câu chuyện báo chí luôn phải đặt những thông tin then chốt lên đầu phóng sự.

Ngay cả đối với phóng sự ngắn, sợi chỉ dẫn cũng có thể được thay thế bởi:

  • Dựng hình xen kẽ hai câu chuyện:

CÂU CHUYỆN A1 // CÂU CHUYỆN B1 // CÂU CHUYỆN A2 // CÂU CHUYỆN B2 // CÂU CHUYỆN A3 vv…

  • Kiểu flashback phá vỡ trình tự thời gian bằng cách bắt đầu câu chuyện bằng đoạn kết:

Đoạn kết CÂU CHUYỆN //đoạn đầu CÂU CHUYỆN //đoạn tiếp theo CÂU CHUYỆN//quay lại đoạn kết CÂU CHUYỆN

  • Kiểu ê-líp nhảy qua các bước giữa của câu chuyện và tăng nhịp điệu của phóng sự:

Phần đầu CÂU CHUYỆN // (tóm tắt những giai đoạn giữa) // đoạn cuối CÂU CHUYỆN

Để hình dung kịch bản dựng của mình, phóng viên phải: 

  1. Ưu tiên đưa lên trước những thông tin chính hay trường đoạn then chốt (bằng hình ảnh hay âm thanh).
  2. Chọn trường đoạn đầu và trường đoạn cuối của phóng sự
  3. Xây dựng một lời kể theo nhịp điệu tiến triển từ điểm nhấn này sang điểm nhấn khác (các cảnh then chốt)
  4. Tăng giá trị câu chuyện kể bằng việc cắt ghép tuân thủ sự gắn kết về âm thanh và hình ảnh của từng trường đoạn; tôn trọng các cụm cảnh và tránh những cảnh “mồ côi” (từ trên trời rơi xuống, không ăn nhập với phần còn lại)

Định vị từng trường đoạn bằng một từ khóa: đó là một thủ thuật tốt để kiểm tra sự tiến triển của câu chuyện và viết lời bình cho phóng sự nhanh và hay…