Menu

08. Thực hiên tốt một cuộc phỏng vấn

Phỏng vấn là tâm điểm của nghề phóng viên. Dù đó là loại hình truyền thông nào, đây là một tác nghiệp mang lại thông tin cho độc giả, thính giả hay khán giả. Trò chơi hỏi/đáp này là một sự trao đổi bất cân xứng. Người được phỏng vấn mang lại thông tin cốt lõi. Người phỏng vấn hạn chế thời gian mình nói và xác định vị thế của mình bằng các câu hỏi sắc sảo và bám chủ đề, bằng việc lắng nghe người đối thoại và sự rõ ràng, mạch lạc khi diễn đạt.

Phóng viên định giới hạn, định hướng và giữ nhịp cho cuộc phỏng vấn

Vai trò của phóng viên là dẫn dắt cuộc phỏng vấn và tuân thủ các quy định ngặt nghèo về hình thức phỏng vấn. Anh ta phải:

  • Thông báo những quy tắc cho người được phỏng vấn:

– thời gian phỏng vấn: thời gian khả dụng (cho việc thực hiện và phát sóng)

– loại hình phỏng vấn: phỏng vấn trực tiếp hay phỏng vấn dựng hình

– khuôn khổ phát hình: bản tin thời sự, tạp chí truyền hình…

  • Lấy được thông tin thú vị nhất từ người được phỏng vấn:

– Người được hỏi là người “quen mic”. Anh ta sẽ đưa ra một bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn: phóng viên phải đưa ra những câu đối kháng bằng những thông tin cụ thể và không thể bác bỏ đã được chuẩn bị trước khi phỏng vấn.

– Người được phỏng vấn “e dè” bởi tình huống phỏng vấn hay “bị sốc” bởi một sự kiện bất thường: phóng viên cần mào đầu cuộc phỏng vấn bằng những câu hỏi đơn giản, đóng và thân mật (tuổi, nơi ở, tên) và nếu có thể sử dụng cùng ngôn từ như của người được phỏng vấn. Phóng viên phải giúp người được phỏng vấn nhưng không bao giờ trả lời thay anh ta.

Kỹ thuật phỏng vấn:

  • Không lồng câu trả lời vào câu hỏi

Câu hỏi liên quan đến một chủ đề và câu trả lời của người được phỏng vấn bổ sung câu hỏi bằng một thông tin.

Nếu phóng viên đưa câu trả lời vào trong câu hỏi của mình thì người được phỏng vấn không còn gì nói nữa!

  • Diễn đạt lại câu trả lời cho khán giả truyền hình

Việc diễn đạt lại câu trả lời giúp tạo nền tảng cho câu hỏi tiếp theo.

– Về mặt hình thức, việc diễn đạt lại dùng để chuyển tiếp từ câu hỏi sang câu trả lời.

– Về nội dung, bằng cách diễn đạt lại những câu trả lời quá dài hoặc quá đi sâu vào chuyên ngành, phóng viên mang lại những thông tin rõ ràng cho khán giả để họ không bao giờ bị mất mạch phỏng vấn.

  • Đặt giới hạn cho câu hỏi

Giới hạn câu hỏi bằng một câu trần thuật được đưa ra ngay trước câu hỏi. Câu này đưa ra những thông tin làm rõ câu hỏi để nhận được một câu trả lời giàu thông tin chưa được đăng tải.

Ví dụ: Phỏng vấn Bill Clinton thực hiện bởi báo Le Monde

“Ông mới chỉ năm tư tuổi, ông đang ở đỉnh cao khả năng của mình với kinh nghiệm và các mối quan hệ rộng nhất mà một người có thể có được, ông rời bỏ mọi chức trách. Ông định dành thời gian để làm gì?”

  • Sử dụng một từ khóa ở cuối câu hỏi

Người được phỏng vấn sẵn sàng trả lời ngay khi anh ta nghe thấy từ khóa tóm tắt lại trong đó toàn bộ câu hỏi

Điều mà phóng viên thêm vào sau từ khóa sẽ làm nhiễu câu hỏi và chặn câu trả lời:

  • Vai trò của anh là gì
  • “Trong vụ việc này, vai trò của anh là gì ?”

Soạn câu hỏi dưới dạng từ khóa:

Phóng viên ghi chép câu hỏi của mình dưới dạng từ khóa, trên một phiếu nhỏ hay trong lòng bàn tay, dễ liếc nhìn. Như vậy có thể tránh được tiếng giấy loạt soạt trong mic, có thể nhìn người được phỏng vấn và tập trung vào câu trả lời.